Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013


Brunei và vấn đề Biển Đông trên ghế “nóng” Chủ tịch ASEAN

Liệu có thể có một sự thay đổi về chất trong lập trường của ASEAN về vấn đề nóng bỏng này không khi Chủ tịch luân phiên của khối là Brunei – nước cũng có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông?


Khi lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm tồn tại, Hội nghị Ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Phnom Penh hồi tháng 7/2012 đã không thể đưa ra được một tuyên bố chung vì chia rẽ quan điểm trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông, người ta đã đặt nhiều câu hỏi về trách nhiệm của Campuchia – nước Chủ tịch luân phiên của khối, vốn có quan hệ song phương rất tốt đẹp với Trung Quốc.

 Brunei và vấn đề Biển Đông trên ghế “nóng” Chủ tịch ASEAN
Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì và người đồng cấp Campuchia ông Hor Namhong trao đổi riêng bên lề cuộc họp Ngoại trưởng ASEAN tại Phnom Penh tháng 7/2012

Theo giới quan sát, kể từ khi tiếp quản ghế Chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm nay, Campuchia đã thực hiện một lập trường kiên quyết về vấn đề Biển Đông thay vì cố gắng tìm kiếm những điểm chung giữa tất cả các bên liên quan như các nước Chủ tịch ASEAN đã từng làm trong quá khứ.

Ngay cả Nhật Bản, một nước ngoài ASEAN, cũng bày tỏ sự thất vọng qua các kênh ngoại giao với tuyên bố của Chủ tịch hội nghị do Campuchia đưa ra tại cuộc gặp các Ngoại trưởng ASEAN ở Phnom Penh dịp cuối tháng 7/2012. Theo hãng tin Kyodo, Nhật Bản than phiền rằng, các điểm chính trong tuyên bố của Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba cũng như quan điểm của các ngoại trưởng khác tại hội nghị đã không được thể hiện trong các văn kiện, trong đó có các vấn đề liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông.

Phản ứng mạnh mẽ của Philippines trong và sau Hội nghị Cấp cao ASEAN 21 và các hội nghị cấp cao khác tại Phnom Penh hồi tháng 11/2012 về tuyên bố “ASEAN nhất trí không quốc tế hóa vấn đề Biển Đông” của Thủ tướng Campuchia Hun Sen tiếp tục củng cố những bức xúc và hoài nghi về việc Campuchia, nước Chủ tịch luân phiên ASEAN đã cố tình “ém nhẹm” hồ sơ Biển Đông. Sau đó, đích thân ông Hun Sen với tư cách Thủ tướng nước chủ nhà phải thừa nhận ASEAN tiếp tục thất bại trong việc đạt được đồng thuận về vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông với Trung Quốc.

Bước sang năm 2013, các nhà phân tích lại tự hỏi liệu có thể có một sự thay đổi về chất trong lập trường của ASEAN về vấn đề nóng bỏng này không khi Chủ tịch luân phiên của khối là Brunei – nước cũng có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông. Đặc điểm này có thể khiến cho Brunei có quan điểm mạnh mẽ hơn trong việc chống lại các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc hay không? Chúng ta hãy cùng phân tích về vị thế và quan điểm của Brunei trong ASEAN và mối quan hệ với Trung Quốc.

 Brunei tiếp nhận bàn giao chức Chủ tịch luân phiên ASEAN từ Campuchia
Brunei tiếp nhận bàn giao chức Chủ tịch luân phiên ASEAN từ Campuchia

Giống như Campuchia, Brunei không phải là một thành viên chủ chốt cũng không phải là thành viên sáng lập của ASEAN. Quốc gia nhỏ bé này gia nhập ASEAN vào năm 1984, tức là 17 năm sau khi khối được thành lập bởi các thành viên Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Như vậy, không thể nói là không có chút lo âu nào về sự chín chắn trong khả năng ngoại giao, cam kết vững bền với khối, khả năng kiểm soát và xử lý xung đột hiệu quả của Darussalam, nhất là khi Brunei đã duy trì tính trung lập trong các vấn đề khu vực nhiều năm qua.

Điều này có thể thấy rõ hơn khi ASEAN đứng trước nguy cơ mất đoàn kết nội bộ sau thất bại tại Hội nghị Ngoại trưởng của khối hồi tháng 7/2012, các thành viên chủ chốt như Singapore, Thái Lan, Malaysia và đặc biệt là Indonesia mới là những người đóng vai trò tích cực trong việc hàn gắn những bất đồng nội khối. Ngoại trưởng Indonesia với các chuyến ngoại giao con thoi đã vận động thành công các đối tác thành viên ASEAN chấp thuận Nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông nhằm tìm ra một giải pháp hòa bình cho Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh "quyết tâm tăng cường tham vấn trong khối nhằm thúc đẩy những nguyên tắc nói trên, nhất quán với Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ở Đông Nam Á 1976 và Hiến chương ASEAN 2008".

 Kinh tế Brunei phụ thuộc rất lớn vào dầu mỏ
Kinh tế Brunei phụ thuộc rất lớn vào dầu mỏ

Thêm vào đó, cũng giống như Campuchia, Brunei có quan hệ kinh tế đáng kể với Trung Quốc. Nếu như với Phnom Penh, Bắc Kinh dành nhiều khoản cho vay ưu đãi cũng như đầu tư, trợ cấp hàng tỉ USD, thì với Brunei, Trung Quốc lại là một bạn hàng lớn, một đối tác quan trọng mua và đầu tư vào dầu mỏ của nước này. Trong khi đó, Brunei lại phụ thuộc rất lớn vào trữ lượng tài nguyên hydrocarbon mà hiện đang chiếm khoảng 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 90% kim ngạch xuất khẩu của nước này. Hoàng gia Brunei cũng dựa vào nguồn thu nhập khổng lồ này để duy trì vị thế lãnh đạo của mình, củng cố bộ máy an ninh và xoa dịu dân chúng bằng các khoản phúc lợi và chương trình trợ cấp hào phóng của mình.

Có thể nhìn thấy sự phát triển nhanh chóng trong thương mại song phương giữa 2 nước. Từ năm 2001 đến 2011, thương mại 2 chiều giữa Trung Quốc và Brunei đã tăng vọt từ 100 triệu USD lên 1,3 tỷ USD, vượt qua mục tiêu 1 tỷ USD mà 2 nước trước đó đặt ra. Gần đây, xuất khẩu dầu mỏ sang Trung Quốc của Brunei đã đạt 13.000 – 20.000 thùng dầu thô/ngày, chiếm 1/8 tổng kim ngạch xuất khẩu dầu thô của nước này.

Trong khi đó, các công ty năng lượng của Trung Quốc, từ Tập đoàn Zhejiang Henyi đến Sinopec Engineering hay Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đều có chân trong nhiều dự án thăm dò dầu khí và xây dựng nhà máy lọc dầu hàng tỷ USD tại Brunei. Và ngước lại, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Brunei cũng đang từng bước tìm chỗ đứng ở thị trường Trung Quốc.

Kinh tế Brunei phụ thuộc rất lớn vào dầu mỏ
Thủ tướng Ôn Gia Bảo gặp Quốc vương Brunei Sultan Hassanal Bolkiah nhân chuyến thăm chính thức Darussalam năm 2011

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã thăm chính thức Darussalam vào năm 2011 còn Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng gặp Quốc vương Brunei Sultan Hassanal Bolkiah bên lề Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của mối quan hệ song phương Bắc Kinh – Darussalam.

Tất cả những điều kể trên có thể đã, đang và sẽ làm nảy sinh những hoài nghi về khả năng Brunei sẵn sàng vượt qua sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế ngày càng tăng với Bắc Kinh để thực hiện một vai trò lớn hơn trong khu vực với tư cách là chủ tịch mới của ASEAN. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng, không giống như Campuchia, Brunei là thành viên trực tiếp liên quan đến tranh chấp lãnh thổ chồng chéo ở Biển Đông với Trung Quốc, dù không duy trì hiện diện quân sự trên đảo tranh chấp nào.

Sau khi Campuchia bàn giao chức Chủ tịch luân phiên ASEAN cho Brunei cuối tháng 11, một số quốc gia trong khu vực đã thúc giục vương quốc bé nhỏ đóng một vai trò xây dựng lớn hơn so với Campuchia. Một số quốc gia như Indonesia, Việt Nam đã bày tỏ tin tưởng vào vai trò Chủ tịch tích cực của Brunei trong nhiệm kỳ mới. Đáng chú ý, trong chuyến thăm Darussalem cuối tháng 11/2012 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Việt Nam và Brunei đã ký một loạt thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, công nghiệp và năng lượng. Đặc biệt, hai nước đã nhất trí về lập trường có tính nguyên tắc là đảm bảo hòa bình, ổn định ở khu vực, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế; thực thi đầy đủ và nghiêm túc DOC và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).

Thêm vào đó, với việc nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Lương Minh là Tổng thư ký ASEAN trong 5 năm tới, bên cạnh nước Chủ tịch Brunei, theo các nhà phân tích, có khả năng ASEAN sẽ tạo nên được một mặt trận đa phương, đoàn kết xử lý hòa bình tranh chấp với Trung Quốc Biển Đông, thúc Bắc Kinh sớm ngồi vào bàn đàm phán COC.

Mặt khác, là nước giàu thứ 5 thế giới tính theo GDP đầu người, tân Chủ tịch ASEAN không phải phụ thuộc vào viện trợ hay đầu tư của Trung Quốc như Campuchia. Bên cạnh đó, chế độ quân chủ cầm quyền ở Brunei cũng được cho là muốn sử dụng tư cách Chủ tịch ASEAN để nâng cao hình ảnh của đất nước, có nghĩa là có khả năng Darussalem sẽ lưu tâm đến việc xử lý xung đột và đảm bảo tự do hàng hải trong vùng biển tranh chấp. Hơn nữa, Brunei cũng có lợi ích lâu dài trong việc phát triển dầu mỏ và khí đốt, cả ở trong vùng lãnh hải cũng như trong vùng đặc quyền kinh tế tại Biển Đông mà hiện Trung Quốc đang tự nhận chủ quyền gần hết. Đó là lợi ích quốc gia của Brunei, nhất là trong bối cảnh nguồn tài nguyên dầu khí nội địa đang dần cạn kiệt. Và đó cũng là lý do để chúng ta có thể lạc quan và ủng hộ vai trò Chủ tịch ASEAN của Brunei!

                                                                                                                  " trích báo dân trí"
Các địa phương quán triệt và thực hiện Nghị quyết Trung ương 6( khóa XI) 
20:37 | 26/01/2013
 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện các Nghị quyết, Kết luận Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI và Chỉ thị của Bộ Chính trị về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tới gần 500 cán bộ chủ chốt. 

Các đại biểu đã nghiên cứu và đóng góp ý kiến vào phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp của Tỉnh ủy để cụ thể hoá những Kết luận của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đối với Chương trình hành động của Tỉnh uỷ về định hướng phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, các đại biểu đóng góp ý kiến vào 6 nhóm giải pháp về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động, những định hướng nhiệm vụ chủ yếu, hình thành và phát triển thị trường khoa học và công nghệ, hợp tác trong nước và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ. 

Hội nghị cũng đã quán triệt Chỉ thị của Bộ Chính trị và Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Theo đó, việc lấy ý kiến phải đảm bảo tiến hành rộng rãi, công khai và phát huy quyền làm chủ của dân để thu hút mọi người dân trong và ngoài nước được tham gia. 


* Tỉnh Hưng Yên đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) và Chỉ thị của Bộ chính trị về tổ chức lấy ý kiến nhân dân cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. 

Hội nghị cũng đã giới thiệu về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6( khóa XI ) về phát triển khoa học công nghệ và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Theo đó, mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh Hưng Yên cũng như cả nước nói chung trong năm 2013 là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định nền kinh tế vĩ mô; tiếp tục nâng cao chất lượng các mặt giáo dục y tế, đảm bảo an ninh quốc phòng, xã hội ổn định. 

Nhân dịp này, Tỉnh Hưng Yên chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh phát huy cao nhất tinh thần học tập, quán triệt các nội dung quan trọng có tính quyết sách hoàn thiện nhiều cơ chế, chính sách và tham gia góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đảm bảo theo hướng ổn định lâu dài./.
                                                                                                                                                           
                                                                                                                                                         "theo TTXVN"

20:34 18/01/2013
Ngày 25/9 vừa qua, tại hội trường T35, trường Đại học Thủy Lợi đã diễn ra buổi nói chuyện của PGS.TS Trần Đăng Thanh về Tình hình biển, đảo và chủ trương của Nhà nước ta về bảo vệ chủ quyền trên biển trong tình hình hiện nay. Tham dự có GS TS Nguyễn Quang Kim – Hiệu trưởng Nhà trường, đại diện các phòng ban và các bạn sinh viên trong trường.
 PGS.TS Trần Đăng Thanh nói chuyện về tình hình biển đảo hiện nay
 
Trong suốt buổi nói chuyện, PGS.TS Trần Đăng Thanh đã thông tin cho đông đảo cán bộ giảng viên, sinh viên trong trường những nội dung cơ bản của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982; tình hình Biển Đông và chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) cũng như các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta trong bảo vệ và giải quyết những bất đồng, tranh chấp chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc thông qua clip tổng hợp về tình hình chính trị thế giới năm 2009, các bản đồ lãnh thổ, chủ quyền biển đảo của các quốc gia,...
 
Tình hình Biển Đông đang diễn ra rất phức tạp 
 
Trước yêu cầu bức thiết của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Đảng ta nhận thức sâu sắc và thể hiện rõ quan điểm về phát triển kinh tế độc lập tự chủ, kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế. Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Việt Nam là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi công dân Việt Nam đối với lịch sử dân tộc, là nhân tố quan trọng bảo đảm cho dân tộc ta phát triển bền vững. Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng chỉ rõ: “Mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển, đảo, biên giới, vùng trời; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN…”. Đó là ý chí sắt đá, quyết tâm không gì lay chuyển được của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Thầy và trò trường Thủy Lợi chăm chú lắng nghe
 
Thời gian qua, sự biến đổi khôn lường của tình hình thế giới, khu vực và trên biển Đông khiến nhiệm vụ phòng thủ, bảo vệ đất nước, nhất là an ninh trên biển trở thành nhiệm vụ nhiều khó khăn, thách thức. Để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, điều tiên quyết đặt ra là phải không ngừng củng cố, tăng cường sức mạnh quốc gia, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển. Trong đó, xây dựng thế trận lòng dân, đảm bảo bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc là vấn đề chiến lược, mang tính cấp bách, then chốt. Chúng ta cần có 3 điều không được mất, không được mất chủ quyền và quyền chủ quyền, không được mất môi trường hòa bình, không được mất mối tình đoàn kết nhân dân 2 nước Việt – Trung và có 4 điều cần tránh, tránh đối đầu quân sự, tránh đối đầu toàn diện, tránh bị bao vây cô lập, tránh lệ thuộc vào nước ngoài.
GS.TS Nguyễn Quang Kim - Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại buổi nói chuyện
 
Việc tuyên truyền chủ quyền biển, đảo nhằm giúp toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên trong trường  hiểu hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng cũng như tiềm năng của biển, đảo; thực trạng trên các vùng biển, đảo của nước ta; đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về chiến lược biển, đảo trong tình hình mới. Buổi nói chuyện thật ý nghĩa, qua đó, giúp thầy và trò trường Thủy Lợi ý thức hơn trách nhiệm của mình để cùng góp phần vào việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bài và ảnh Trần Mai Anh

Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013

HỌC CÁCH QUÊN



[ Truyện Ngắn: Học cách quên ]

Một buổi tối, tôi đi thăm người bạn từng bị vu cáo hãm hại. Lúc ăn cơm, anh nhận được một cuộc điện thoại, người đó muốn nói cho anh biết ai đã hãm hại anh.

Nhưng anh bạn tôi đã từ chối nghe. Nhìn thấy vẻ mặt ngạc nhiên của tôi, anh nói “Biết rồi thì sao chứ? Cuộc sống có những chuyện không cần biết và có những thứ cần phải quên đi”.

Sự rộng lượng của anh khiến tôi rất cảm kích. Đời người không phải lúc nào cũng được như ý, muốn bản thân vui vẻ, đôi khi việc giảm áp lực cho chính mình là điều cần thiết và cách để giảm áp lực tốt nhất chính là học cách quên, bởi trong cuộc sống này có những thứ cần nhặt lên và bỏ xuống đúng lúc. Trong kinh Phật có một câu chuyện kể rằng: tiểu hòa thượng và lão hòa thượng cùng đi hóa duyên, tiểu hòa thượng lễ độ cung kính, việc gì cũng đều nhìn theo sư phụ. Khi tới bờ sông, một cô gái muốn qua sông, lão hòa thượng đã cõng cô gái qua sông, cô gái sau khi cảm ơn thì đi mất, tiểu hòa thượng trong lòng cứ thắc mắc “ Sư phụ sao có thể cõng một cô gái qua sông như thế?”. Nhưng cậu ta không dám hỏi, cứ thế đi mãi được 20 dặm, cậu ta thực sự không kìm được đành hỏi sư phụ: “Chúng ta là người xuất gia, sao thầy có thể cõng một cô gái qua sông?” Sư phụ điềm đạm nói: “Ta cõng cô gái qua sông thì bỏ cô ấy xuống, còn ngươi thì đã cõng cô gái ấy 20 dặm rồi vẫn chưa bỏ xuống.”

Lời nói của lão hòa thượng đầy thiền ý, hàm chứa trong nó chính là nghệ thuật nhân sinh. Cuộc đời con người giống như một cuộc hành trình dài, không ngừng bước đi, ven đường nhìn thấy vô vàn phong cảnh, trải qua biết bao những gập ghềnh, nếu như đem tất cả những nơi đã đi qua đã nhìn thấy ghi nhớ hết trong lòng thì sẽ khiến cho bản thân mình chất chứa thêm rất nhiều gánh nặng không cần thiết. Sự từng trải càng phong phú, áp lực càng lớn, chẳng bằng đi một chặng đường quên một chặng đường, mãi mãi mang một hành trang gọn nhẹ trên đường. Quá khứ đã qua, thời gian cũng không thể quay ngược trở lại, ngoài việc ghi nhớ lấy những bài học kinh nghiệm, còn lại không cần thiết để cho lòng phải vướng bận thêm.

Sẵn sàng quên đi là một cách cân bằng tâm lý, cần phải chân thành và thản nhiên đối mặt với cuộc sống. Có một câu nói rất hay rằng tức giận là lấy sai lầm của người khác để trừng phạt chính mình, cứ mãi nhớ và không quên khuyết điểm của người khác thì người bị tổn thương nhiều nhất chính là bản thân mình, bởi lẽ đó để có được niềm vui và cuộc sống thanh thản ta không nên truy cứu lỗi lầm cũ của người khác.

Rất nhiều người thích câu thơ : “Xuân có hoa bách hợp, thu có trăng. Hạ có gió mát, đông có tuyết”. Trong lòng không có việc phải phiền lo mới chính là mùa đẹp của nhân gian. Nhớ những cái cần nhớ, quên những cái nên quên, sống cuộc sống cởi mở, trong lòng không vướng mắc thì cuộc sống này sẽ thật tươi đẹp.

"trích Giang Nhất Yến"

kinh khung